Trên thực tế, các chuyên gia đã khẳng định rằng những nỗi sợ này hoàn toàn có thể khắc phục được. Hãy xem 5 trong số những nỗi sợ phổ biến nhất khi bán hàng và cách để loại bỏ chúng
1. Sợ không tạo được ấn tượng tốt trong lần tiếp xúc đầu tiên
Trong việc bán hàng, ấn tượng đầu tiên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu bạn tạo được ấn tượng tốt thì đó chính là một khởi đầu thuận lợi và ngược lại. Chính vì thế, dân sales thường cảm thấy căng thẳng trong lần tiếp xúc đầu tiên vì sợ không tạo được ấn tượng tốt với khách hàng tiềm năng.
Bí quyết để vượt qua nỗi sợ này là HÃY CHUẨN BỊ. Hãy chắc chắn rằng bạn biết mình cần phải nói gì và làm gì trong lần đầu tiên tiếp tục với khách hàng tiềm năng. Một vẻ ngoài lịch sự, ưa nhìn cùng với cử chỉ, hành động chuyên nghiệp và thân thiện sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm với họ. Đừng để khách hàng thấy sự căng thẳng, lo âu hay rụt rè của bạn bởi nó sẽ làm ảnh hường đến mức độ tin tưởng của họ dành cho bạn.
2. Sợ bị khách hàng từ chối
Dân sales có kinh nghiệm luôn hiểu rằng họ không thể thành công với 100% khách hàng. Trong khi đó, hầu hết sales mới sẽ cảm thấy sụp đổ tinh thần khi họ bị khách hàng từ chối. Hãy nhớ rằng: Chừng nào bạn còn giữ tâm lý sợ khách hàng từ chối thì bạn còn không bán được hàng.Trước tiên, bạn phải xác định tư tưởng rằng việc khách hàng từ chối là hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy bình tĩnh đón nhận nó một cách khôn ngoan bởi khách hàng mới là người nắm quyền đưa ra quyết định. Hiểu được lý do đằng sau việc từ chối mua hàng có thể giúp bạn nhận ra những lỗ hổng trong việc bán hàng và cải tiến nó tốt hơn. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã khẳng định rằng: Cách duy nhất để đánh bại nỗi sợ là đối đầu với nó.
3. Không dồn dập thì sợ khách “quên”, liên hệ nhiều lại sợ bị khách “ghét”
Để bán được hàng, bạn buộc phải tương tác, kết nối và đôi khi là thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định mua. Nhưng trớ trêu thay, không ít các dân sales mới khiến khách hàng ác cảm và thậm chí là “chạy mất dép” bởi họ cảm thấy bị gây áp lực và “tấn công” thái quá. Ngược lại, nhiều người vì sợ liên hệ nhiều quá khách bực mình mà đánh mất họ.
Hãy tập trung nhiều hơn vào việc có một cuộc trò chuyện với khách hàng tiềm năng của bạn hơn là chỉ bán hàng. Đây chính là bí quyết giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi này. Hãy tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và tự hỏi liệu những gì bạn đang cung cấp có giá trị thực sự cho họ hay không. Khi bạn quan tâm đến khách hàng tiềm năng của mình và phát triển cảm giác tin tưởng, bạn sẽ có nhiều khả năng bán được hàng hơn.
4. Sợ không đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng
Dù đã nhận được câu trả lời “đồng ý” từ khách hàng tiềm năng nhưng không ít dân sales vẫn cảm thấy sợ không đáp ứng được tất cả những mong đợi của khách hàng. Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng trên thực tế, điều này cũng khá phổ biến. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, có nghĩa là bạn đang bắt đầu đặt những dấu hỏi về giá trị của các sản phẩm bạn đang bán.
Hãy kiểm chứng tất cả các thông tin về sản phẩm mà bạn nói với khách hàng. Nếu đó đều là sự thật, bạn phải tự tin vào sản phẩm mình đang bán. Hãy xem những phản hồi tích cực từ những người đã mua sản phẩm của bạn. Điều này cũng giúp bạn cảm thấy tự tin về việc bạn có thể mang đến những giá trị thực sự cho khách hàng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có thái độ cởi mở và chủ động đón nhận những ý kiến phản hồi từ khách hàng trong quá trình tương tác với họ. Có thể những thông tin này sẽ giúp công ty của bạn cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
5. Sợ vì không biết mình có đang làm đúng quy trình hay không
Nếu bạn luôn cảm thấy lo sợ không biết mình có đang làm đúng hay không thì bạn vẫn chưa phải là một người làm chủ được quá trình bán hàng của mình. Chính sự phân vân, lo sợ của bạn trong quá trình tương tác với khách hàng là lý do khiến họ cảm thấy không tin tưởng. Việc bán hàng hiệu quả đòi hỏi bạn cần có chiến thuật đúng đắn và cung cấp cho khách hàng những gì họ cần.
Bạn sẽ tự tin về những gì mình làm khi bạn nắm chắc được quy trình, những nội dung đã được hướng dẫn và những kĩ năng đã được đào tạo trước khi bắt đầu công việc. Hãy nghiêm túc học hỏi và tích cực chủ động luyện tập, chắc chẵn kĩ năng của bạn sẽ tiến bộ mỗi ngày. Việc đi đúng hướng và áp dụng đúng chiến thuật sẽ giúp bạn tự tin hơn trong quá trình tư vấn và thuyết phục khách hàng.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/Entrepreneur