Đặt đúng người vào đúng vị trí được ví như việc giải phóng để đại bàng được tung cánh và vịt được thỏa sức bơi. Đó chính là chân lý của câu kết luận “đừng gửi con vịt tới trường học của đại bàng”. Một nhà lãnh đạo dùng đúng người vào đúng việc thường lưu tâm những vấn đề sau.
1. Đặt nhân viên vào đúng vị trí
Chuyện ở Mỹ từng có một giám đốc đã điều một nhân viên của mình tới bốn vị trí trong công ty chỉ để tìm vị trí thích hợp cho nhân viên đó. Ông đã đặt nhân viên đó vào sai vị trí quá nhiều lần, ông gần như đã từ bỏ hy vọng vào cô ấy. Nhưng ông cũng biết nhân viên đó có tiềm năng rất lớn và cô ấy là người công ty cần. Cuối cùng, khi tìm đựơc vị trí thích hợp, cô ấy đã trở thành một ngôi sao.
Ông giám đốc này biết tầm quan trọng của việc nhân viên được làm việc tại vị trí thích hợp, mỗi năm một lần ông đều hỏi nhân viên của mình: “Nếu được quyền lựa chọn, bạn sẽ làm gì?” Từ câu trả lời của nhân viên, ông thấy được những người có thể đã bị đặt nhầm chỗ.
Cố gắng để nhân viên của mình được ở vị trí thích hợp là một việc làm cần nhiều thời gian và sức lực. Đây là lĩnh vực sẽ gây khó khăn cho hành động của nhà lãnh đạo. Hãy chống lại xu hướng áp đặt vị trí. Đừng e ngại, hãy điều nhân viên của mình tới các vị trí thích hợp để họ có điều kiện tỏa sáng.
2. Những người có năng lực lãnh đạo không cần đến chức danh
Quan niệm sai lầm số một về lãnh đạo, đó là quan niệm cho rằng bạn phải có được một địa vị hay một chức danh nào đó. Điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Bạn không cần phải có vị trí cao nhất trong nhóm, ban, đơn vị hay cơ quan để có thể lãnh đạo. Nếu cho rằng điều đó là quan trọng, tức là khi đó bạn chưa hiểu rõ về địa vị.
Vị trí đứng đầu không làm cho ai đó trở thành lãnh đạo.
Thước đo đích thực của việc lãnh đạo là sức ảnh hưởng – không hơn không kém. Và rất nhiều người bị trói buộc bởi những nhầm tưởng về địa vị. Khi những người này được coi là những nhà lãnh đạo tiềm năng, họ thường cảm thấy không hài lòng khi không có một chức danh hay vị trí khẳng định họ là lãnh đạo trong mắt của các thành viên khác trong nhóm.
Thay vì tạo quan hệ với những người khác trong đội, họ chỉ chờ đợi nhà lãnh đạo chính thức trao quyền cho mình cùng với một chức danh. Sau một thời gian, họ cảm thấy càng lúc càng bất mãn. Cuối cùng họ quyết định tìm cơ hội ở một đội, một nhà lãnh đạo và một cơ quan khác.
Những người kiểu này không hiểu ảnh hưởng tích cực của việc lãnh đạo. Nếu nhân viên của bạn cần một chức danh để lãnh đạo, đừng hy vọng họ sẽ bay cao.
3. Nhận diện những nhà lãnh đạo tiềm năng
Có những phẩm chất còn quan trọng hơn cả tài năng, đó là khả năng nhận diện tiềm năng. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người lãnh đạo là nhận diện những lãnh đạo tiềm năng. Công việc này không dễ dàng, nhưng rất quan trọng.
Dale Carnegie là bậc thầy nhận diện những nhà lãnh đạo tiềm năng. Một lần, khi được hỏi bằng cách nào ông có thể thuê tới 43 triệu phú, Carnegie trả lời rằng khi mới làm việc cho ông, họ chưa phải là triệu phú.
Theo ông, “Việc phát triển nhân viên cũng giống như đào vàng. Phải loại bỏ hàng tấn bụi mới tìm được một ounce vàng. Nhưng anh không vào mỏ để tìm bụi. Anh tới đó là để tìm vàng.” Đó chính là cách bồi dưỡng những người thành công. Hãy tìm vàng chứ không phải bụi; tìm cái tốt chứ không phải cái xấu. Bạn càng tìm nhiều phẩm chất tốt bao nhiêu, bạn càng tìm được nhiều nhà lãnh đạo bấy nhiêu.
4. Sử dụng nhân viên theo sở trường của họ
Trong các quy tắc về làm việc nhóm, quy tắc về vị trí thích hợp có chỉ rõ: “Ai cũng có một vị trí ở nơi mà những đóng góp của họ có giá trị nhất.” Khi nhà lãnh đạo thật sự lĩnh hội được điều này, tập thể mà họ dẫn dắt sẽ hoạt động hiệu quả. Việc này tác động trở lại nhà lãnh đạo một cách tích cực. Thành công của nhà lãnh đạo được quyết định bởi việc sử dụng nhân viên theo sở trường của họ.
Bạn đang dẫn dắt một tập thể như thế nào không phải là điều quan trọng. Nếu không giúp họ phát huy được sở trường vốn có, thì bạn khó có thể thành công. Vì thế hãy bảo đảm các thành viên trong đội đều ở vị trí thế mạnh của họ.
Nguồn: Sưu tầm