Blog

Dùng Viber,Zalo,Kakao Talk sẽ bị thu phí

28-08-2013
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng, ban hành chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng internet (OTT). Theo đó, rất có thể người sử dụng các dịch vụ này sẽ phải trả phí.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng, ban hành chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng internet (OTT). Theo đó, rất có thể người sử dụng các dịch vụ này sẽ phải trả phí.

Đó là các loại dịch vụ như Viber, Zalo, Kakao Talk... đã khá quen thuộc với người sử dụng di động ở Việt Nam.

Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ Thông tin Truyền thông đã cho rằng, do các dịch vụ OTT có ảnh hưởng rất lớn nên cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý, nhưng quản lý ở mức độ nào thì cần tiếp tục bàn bạc để không gây khó chịu cho người sử dụng.

Một nguồn tin cho biết, hiện Bộ Thông tin Truyền thông đang cân nhắc, tham khảo kinh nghiệm để có thể sớm ban hành chính sách quản lý dịch vụ này.

Còn các nhà cung cấp dịch vụ OTT cho hay chưa thể đánh giá được tác động của việc quản lý dịch vụ OTT đến việc phát triển các dịch vụ bởi tác động ra sao, tác động như thế nào còn tùy thuộc vào chính sách quản lý sẽ được đưa ra.

Bộ Thông tin Truyền thông sẽ xây dựng, ban hành chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng internet (OTT).

Một chuyên gia (không muốn nêu tên) cho rằng, trong tương lai, người sử dụng OTT sẽ không được dùng thoải mái như hiện nay và sẽ bị thu phí, giống như chính sách quản lý đang áp dụng ở Hàn Quốc...  Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG (đơn vị cung cấp ứng dụng Zalo) đồng tình với quan điểm phải có chính sách quản lý dịch vụ OTT.  Song ông Minh cho rằng, các ứng dụng OTT hiện được cung cấp tại Việt Nam có cả ứng dụng trong và ngoài nước, chính sách quản lý phải làm sao tạo được sự công bằng cho các doanh nghiệp nội, ngoại cung cấp các ứng dụng này.

Nhà mạng kêu gào thua lỗ vì OTT

Trước đó, các mạng di động tại Việt Nam cũng từng kêu thất thu bởi dịch vụ OTT và đã có kiến nghị với Bộ Thông tin Truyền thông về việc phải quản lý các ứng dụng này.

Cụ thể, trong một hội nghị của Bộ Thông tin Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã kiến nghị cần tính đến phương án quản lý các ứng dụng OTT bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các mạng di động.

Theo ông Hùng, nếu 40 triệu thuê bao di động đang có của Viettel đều dùng 3G và OTT thì doanh thu của mạng di động này có thể bị giảm 40-50%, bởi dịch vụ thoại, nhắn tin đang chiếm 80% doanh thu của các mạng di động.

Đại diện MobiFone cho rằng, dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet đã làm dịch vụ truyền thống như SMS của các nhà mạng trên thế giới thất thu hơn 13 tỷ USD/năm. Còn theo thống kê của MobiFone, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu SMS/ngày.

"Như vậy, mỗi năm nhà mạng ở Việt Nam sẽ tổn thất hơn 1.000 tỷ đồng trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu" - đại diện MobiFone nhấn mạnh.  Tương tự, ông Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT VTC Online khẳng định, nhà mạng chịu thiệt hại rất lớn do các dịch vụ OTT.

"Bản thân tôi trước kia trung bình mỗi tháng sử dụng khoảng 800.000 - 900.000 đồng cước điện thoại nhưng khi dùng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet thì mỗi tháng chỉ mất khoảng 320.000 đồng, trong đó đã bao gồm 120.000 đồng cước 3G" - ông Nam dẫn chứng.

Đồng quan điểm với các nhà mạng khác, ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban viễn thông của VNPT cũng cho rằng, các dịch vụ OTT đang làm ảnh hưởng 9 -10% doanh thu của các mạng di động trên thế giới.

Mặt khác, riêng với VNPT, nếu so sánh với năm 2011, lợi nhuận năm 2012 của VNPT đã giảm 1.500 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của VNPT chỉ đạt 54.255 tỷ đồng và đạt lợi nhuận là 3.300 tỷ đồng, giảm hơn so với 6 tháng đầu năm 2012 khoảng 2.178 tỷ đồng (Tổng doanh thu phát sinh 6 tháng năm 2012 ước đạt 56.403 tỷ đồng với tổng lợi nhuận sau thuế 2.835 tỷ đồng, nộp ngân sách ước tính thực hiện 3.879 tỷ đồng).

Trước khi có ý kiến chính thức từ Bộ Thông tin Truyền thông, giải pháp đầu tiên mà các nhà mạng triển khai đó chính là nâng giá cước thuê bao 3G từ 40.000/tháng lên 50.000/tháng.

Hướng xử lý này giúp các nhà mạng thu về thêm 100 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy vậy, có vẻ như đây không phải là giải pháp dài hơi bởi việc tăng giá cước đã gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù giá cước chỉ tăng lên 10.000 đồng/tháng, nhưng đây lại là mức tăng 25% so với giá trước đó.

Trong khi đó, không phải tất cả khách hàng thuê bao 3G đều sử dụng các dịch vụ OTT nên sẽ có nhiều người không chấp nhận việc nhà mạng tăng giá để bù lỗ do OTT gây nên.

Ước tính, đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 20 triệu người sử dụng ứng dụng OTT. Trong đó Kakao Talk đặt mục tiêu có 7 triệu người dùng. Viber đang đặt ra mục tiêu có 10 triệu người sử dụng tại Việt Nam vào cuối năm nay. Còn ứng dụng Zalo cũng vừa công bố có 4 triệu người.

MAROTA - HỌC THẬT LÀM THẬT